Festival Huế 2024 đã và đang được tổ chức theo định hướng bốn mùa, kéo dài trong năm với nhiều hoạt động hấp dẫn, thu hút đông đảo người dân và du khách. Các hoạt động của lễ hội được tổ chức theo hướng “mở’, mang tính cộng đồng. Trong đó, người dân đóng vai trò chủ thể, thụ hưởng và quyết định sự thành công của lễ hội.
Tuần lễ Áo dài cộng đồng Huế năm 2024 với nhiều hoạt động văn hóa đặc sắc, ấn tượng. Đây là một trong những hoạt động chính khép lại chuỗi sự kiện Lễ hội mùa Hạ “Kinh thành tỏa sáng”, Festival Huế 2024. Người dân và du khách trực tiếp tham gia các hoạt động quảng diễn, trình diễn Áo dài Huế, biểu diễn nghệ thuật, kết hợp tuyên truyền, quảng bá, tôn vinh hình ảnh Áo dài. Đặc biệt, năm nay, các hoạt động tại Tuần lễ Áo dài huy động sự tham gia, hưởng ứng mạnh mẽ của cộng đồng và du khách. Chị Võ Hương Giang, người dân thành phố Huế chia sẻ:
“Tuần lễ Áo dài năm nay được tổ chức rất quy mô với nhiều hoạt động hấp dẫn. Đây là hoạt động ý nghĩa, cả người dân và du khách rất thích thú. Qua đây, góp phần bảo tồn, phát huy hình ảnh Áo dài xứ Huế và Việt Nam”.
Những năm gần đây, các hoạt động tại Festival Huế ngày càng định hình rõ rệt tính “In” và “Off”. Các hoạt động “In” thường mang tính chuyên nghiệp cao, đầu tư công phu và có bán vé. Chương trình “Off” bao gồm những hoạt động lễ hội, văn hóa, thể thao miễn phí, mang tính “mở”, gắn với cộng đồng. Các hoạt động lễ hội không còn đóng khung trong khu vực kinh thành Huế mà được mở rộng ra các khu vực, vùng phụ cận và các địa phương trong tỉnh. Những đường phố, di tích, quảng trường, sân trường, nhà văn hóa,… trở thành sân khấu ngoài trời. Festival ngày càng đến gần hơn với công chúng. Ông Adam Ricky, du khách Úc cảm nhận: “Huế là một thành phố rất đẹp. Đến đây tham tham quan, tham gia các hoạt động văn hóa cộng đồng ở đây chúng tôi càng hiểu hơn về Huế và văn hóa Việt Nam”.
Ngoài các hoạt động chính tại khu vực Kinh thành, trung tâm thành phố Huế, người dân và du khách cùng hòa mình vào không khí lễ hội qua nhiều hoạt động hưởng ứng sôi động ở các vùng ven, các địa phương từ đồng bằng, ven biển, đầm phá lên vùng cao. Những tour du lịch trải nghiệm "Chợ quê ngày hội" ở cầu ngói Thanh Toàn, du lịch sinh thái, nhà vườn,… cho thấy vai trò chủ thể của người dân càng đậm nét hơn. Họ vừa là diễn viên, người tổ chức, phục vụ, đồng thời là đối tượng thụ hưởng chính của lễ hội. Ông Hoàng Việt Trung, Giám đốc Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế cho hay: Cách tổ chức và kinh phí phục vụ Festival Huế huy động tối đa nguồn xã hội hóa và các nguồn hợp pháp khác.
“Chủ trương của chúng tôi bây giờ tổ chức Festival theo hướng chuyên nghiệp hóa và có sự tham gia của xã hội, cộng đồng, giảm bớt việc các cơ quan, tổ chức hành chính đứng ra tổ chức. Kinh phí phục vụ Festival có nhiều nguồn từ ngân sách, xã hội hóa, các đơn vị, tổ chức cá nhân tham gia đóng góp bằng nhiều hình thức khác nhau. Những chương trình, kịch bản chuẩn bị với mong muốn đem đến bà con, du khách những trải nghiệm mới”.
Thừa Thiên Huế đang nỗ lực xây dựng, quảng bá hình ảnh Huế trở thành thành phố Festival đặc trưng của Việt Nam, góp phần thực hiện thắng lợi mục tiêu Nghị quyết 54 của Bộ Chính trị. Qua 24 năm với 12 kỳ tổ chức, Festival Huế ngày càng khẳng định thương hiệu quốc tế, lan tỏa tính cộng đồng. Người dân và du khách trở thành chủ thể sáng tạo và thụ hưởng, góp phần làm nên thành công của mỗi kỳ Festival.
Ông Nguyễn Thanh Bình, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế cho rằng: “Chúng tôi mạnh dạn thay đổi cách thức tổ chức bằng những sản phẩm mới. Lâu nay chúng ta đã làm nhưng nay có sự thống nhất kết nối lại. Hình thức tổ chức chuyển vai trò của nhà nước, chính quyền, địa phương là điều tiết, hoạch định, còn vai trò của cộng đồng, người dân trở thành hạt nhân. Qua đó, tăng cường sự tương tác của người dân từ chỗ là người thụ hưởng trở thành người cùng tham gia, cùng hưởng thụ và góp phần tạo nên thành công trong công tác tổ chức Festival”.