Gói viện trợ 61 tỷ USD của Mỹ có thể thay đổi xung đột ở Ukraine như thế nào?

Lượt xem: 0 | 23-04-2024
VOV.VN - Gói viện trợ trị giá gần 61 tỷ USD được thông qua tại Hạ viện Mỹ đã mở ra tia hi vọng mới cho Ukraine trong cuộc xung đột kéo dài hơn 2 năm với Nga, trước tình trạng Kiev đang kiệt quệ về cả nhân lực lẫn vật lực trên chiến trường.

Hôm 20/4, Hạ viện Mỹ đã thông qua gói viện trợ nước ngoài trị giá 95 tỷ, trong đó có gần 61 tỷ USD dành cho Ukraine. Theo Chủ tịch Hạ viện Mike Johnson, ngoài 80% số tiền viện trợ được sử dụng cho các hoạt động quân sự của Mỹ ở nước ngoài, gần 14 tỷ USD trong số còn lại sẽ do Ukraine toàn quyền phân bố trong các chương trình đào tạo binh sĩ và trang bị vũ khí phục vụ nhu cầu tiền tuyến. Ngoài ra, Kiev cũng sẽ nhận được khoảng 10 tỷ USD dưới dạng "các khoản vay có thể miễn hoặc hoãn trả" để cải thiện tình hình kinh tế, bao gồm các hỗ trợ cho ngành năng lượng và khôi phục cơ sở hạ tầng.

Dự luật này sẽ được gửi tới Thượng viện để tiến hành cuộc bỏ phiếu vào ngày 23/4 tới. Giới quan sát nhận định, ngay khi được Thượng viện Mỹ thông qua và Tổng thống Joe Biden ký thành luật, gói viện trợ này sẽ trở thành “cứu cánh” của quân đội Ukraine trên chiến trường nơi Nga đang chiếm lợi thế.

 

goi vien tro 61 ty usd cua my co the thay doi xung dot o ukraine nhu the nao hinh anh 1

 

Chủ tịch Hạ viện Mike Johnson phát biểu trước báo giới sau khi Hạ vện Mỹ thông qua dự luật viện trợ hôm 20/4. Ảnh: CNN.

Thế khó của Ukraine trên chiến trường

Hiện nay, Ukraine đang phải vật lộn để chống lại sức mạnh của quân đội Nga nơi tiền tuyến khi nguồn trợ giúp từ các nước phương Tây có dấu hiệu chững lại và gói viện trợ từ Mỹ đã “tắc nghẽn” nhiều tháng tại Hạ viện. Tình trạng cạn kiệt về vũ khí, đặc biệt là đạn pháo đã buộc Kiev phải từ bỏ cứ điểm chiến lược Avdiivka vào 2 tháng trước và hiện đang cố thủ tại Chasiv Yar.

 

Trên tiền tuyến, lực lượng Moscow đang bao vây Kiev với tỷ lệ 10/1, đồng nghĩa với việc pháo binh Ukraine không đủ sức tấn công các cuộc tấn công trên bộ của Nga. Tình trạng cạn kiệt hụt vũ khí nghiêm trọng đến mức một số xạ thủ Ukraine đã phải sử dụng đạn khói thay vì đạn thật để thực hiện kế nghi binh trước quân đội Moscow.

Đồng thời, Ukraine đang thiếu hệ thống phòng không và phòng thủ tên lửa, khiến người dân nước này đang gặp nguy hiểm. Nga chuyển sang tấn công mạnh mẽ vào các nhà máy điện của Ukraine, đánh sập hai nhà máy ở khu vực Kharkov vào tháng 3 và một nhà máy khác ở phía nam Kiev vào đầu tháng 4. Điện chỉ còn được phân bổ vài giờ mỗi ngày ở Kharkiv – nơi đang có 1,3 triệu dân sinh sống, làm dấy lên nỗi lo ngại rằng hệ thống điện có thể không đáp ứng được nhu cầu sử dụng của người dân trong những tháng cao điểm vào mùa hè và mùa đông sắp tới.

Khi nào vũ khí Mỹ và phương Tây có mặt trên chiến trường?

 

Giới chức Mỹ hôm 19/4 cho biết đang chuẩn bị những lô vũ khí đầu tiên và sẽ lập tức gửi tới Ukraine ngay sau khi gói viện trợ 61 tỷ USD được thông qua. Mỹ sẽ ưu tiên bổ sung cho đạn pháo và hệ thống phòng không -  những loại vũ khí và Ukraine đang thiếu hụt. Một số loại đạn dược đang được dự trữ ở châu Âu có thể được chuyển đi trong một hoặc hai tuần sau đó.

Quá trình tái tổ chức cơ sở công nghiệp - quân sự nhằm hỗ trợ Ukraine tại các nước phương Tây đang diễn biến chậm. Không giống như Mỹ - nơi các công ty thuộc sở hữu của chính phủ chịu trách nhiệm sản xuất đạn dược, các nước châu Âu phải phụ thuộc vào các công ty tư nhân và việc ký kết hợp đồng sản xuất vũ khí mất nhiều thời gian hơn dự kiến. Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky cho biết, mới chỉ 1/3 số vũ khí mà Liên minh châu Âu (EU) hứa chuyển giao vào tháng 3 năm ngoái mới tới được tay Kiev.

goi vien tro 61 ty usd cua my co the thay doi xung dot o ukraine nhu the nao hinh anh 2

Quân đội Ukraine trên chiến trường. Ảnh: Getty.

Tuy nhiên, việc Mỹ đang để ngỏ cửa cho dự luật 61 tỷ USD cũng khiến phương Tây phải nhanh chóng nối lại dòng chảy viện trợ. Séc tuyên bố hồi cuối tháng 3, Ukraine sẽ nhận được 1,5 triệu quả đạn pháo, tăng gần gấp đôi với đề xuất hỗ trợ ban đầu; đồng thời đưa ra sáng kiến mua thêm 300.000 từ các nước trung lập có lượng dự trữ dư thừa để cung cấp cho tiền tuyến. Một tuần trước, Đức cũng khẳng định sẽ tặng hệ thống phòng không Patriot cho Ukraine, trong khi Hà Lan đề nghị mua lại vũ khí từ các quốc gia không muốn trở thành nhà cung cấp trực tiếp của Kiev.

Cuộc chiến ở Ukraine sẽ thay đổi như thế nào?

Trước tình hình Kiev đang phải vừa đánh vừa lùi, gói viện trợ của Mỹ có thể giúp Ukraine cân bằng cán cân lực lượng trên chiến trường. Tuy nhiên, các chuyên gia dự đoán rằng sẽ mất một thời gian trước khi các nguồn viện trợ thực sự phát huy hiệu quả. Ông Ben Hodges, cựu chỉ huy quân đội Mỹ ở châu Âu, cho biết “có thể phải mất vài tuần nữa chúng ta mới thấy được những tác động đáng kể trên chiến trường” trong bối cảnh Nga đang dự kiến tiến hành thêm các cuộc tập kích vào mặt trận phía đông nhằm tạo thêm lợi thế chiến trường.

Theo ước tính, chi tiêu quốc phòng của Nga đã chạm mốc 7,5% GDP. Bên cạnh việc sử dụng máy bay không người lái (UAV), chiến thuật hiện tại của Moscow cũng ưu tiên những loại bom lượn phóng từ những khoảng cách mà Kiev không thể chống trả, nhằm thực hiện những cuộc tấn công tầm xa. Nga có lợi thế về nhân lực so với Ukraine và cũng tận dụng lợi thế này để đẩy lùi quân đội Kiev khỏi những cứ điểm chiến lược.

 

Các chuyên gia không kỳ vọng Ukraine sẽ xoay chuyển thế trận trên chiến trường vào năm 2024.

“Các nguồn tài trợ chỉ giúp kéo dài thêm thời gian cho Ukraine chứ chưa thể lật ngược cán cân quân sự trên chiến trường trong thời điểm này”, chuyên gia nghiên cứu quân sự người Mỹ Matthew Savill cho biết.

Cựu chỉ huy quân đội Mỹ Ben Hodges cũng dự đoán năm 2024 sẽ là “năm cạnh tranh công nghiệp”, khi Nga và Ukraine đang cố gắng tích lũy nguồn lực nhằm tung đòn quyết định vào năm tới.